Hiển thị các bài đăng có nhãn Thuốc và sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thuốc và sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Uống quá nhiều thuốc, uống thuốc khi uống rượu hoặc uống thuốc hết hạn sử dụng gây tác động rất xấu tới sức khỏe.

1. Uống quá nhiều thuốc
Một trong những lý do uống nhiều thuốc là do kiến thức về bệnh tật quá sơ sài, tiếc của, quên uống thuốc và dùng thuốc không mất tiền, thậm chí có cả những ngộ nhận cho rằng dùng liều cao, càng nhiều thuốc càng tốt, đặc biệt là nhóm thuốc không cần kê đơn, quen gọi là thuốc OTC (Over-The-Counter), như đau bụng, nhức đầu, cảm cúm cho tới các loại thuốc bổ hay thực phẩm chức năng.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Thuốc mỡ (dạng cream bôi) chứa corticoid là những chế phẩm có tác dụng tốt và nhanh trong điều trị một số bệnh ngoài da, sẩn ngứa, dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh… Người ta thường dùng các corticoid tổng hợp có hoạt phổ mạnh, có hiệu quả cao, ít gây tác dụng phụ để điều trị các bệnh ngoài da.

Dược lý và cơ chế tác dụng
Cơ chế tác dụng của các corticoid dùng tại chỗ là do phối hợp 3 tính chất quan trọng: chống viêm, chống ngứa và tác dụng co mạch.

Rối loạn xuất tinh là một bệnh lý phổ biến ở nam giới, bệnh không những ảnh hưởng đến đời sống tình dục, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà còn là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh mới có hướng điều trị đúng và hiệu quả.

Rối loạn xuất tinh ở nam giới thông thường bao gồm xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, không xuất tinh, xuất tinh ngược dòng…

Xuất tinh sớm
Xuất tinh sớm gây ra các hậu quả tiêu cực cho bản thân như chán nản, bực bội, tránh quan hệ tình dục”. Yếu tố quan trọng nhất đánh giá xuất tinh sớm là thời gian từ lúc dương vật được đưa vào âm đạo cho tới khi xuất tinh, còn được gọi là thời gian chờ xuất tinh trong âm đạo (IELT). Với định nghĩa của Hội Y học giới tính thế giới, thời gian 1 phút được xem là mốc để đánh giá việc xuất tinh có bị sớm hay không.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra xuất tinh sớm thường được nghĩ là do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý như lo âu thường gây ra giảm ham muốn, rối loạn cương và chậm xuất tinh chứ không dẫn đến xuất tinh sớm; còn sự phấn khích quá mức chỉ gây ra xuất tinh sớm tạm thời chứ không dẫn đến xuất tinh sớm hằng định. Ngày nay, xuất tinh sớm được nghĩ là do sự tăng nhạy cảm của dương vật hay rối loạn thụ thể 5-Hydroxytryptamine (5-HT) tại trung tâm kiểm soát xuất tinh ở não.
Điều trị
Thuốc tê thoa qui đầu:
Thuốc tê thoa tại chỗ như kem hay thuốc xịt lidocaine và prilocaine làm giảm cảm giác qui đầu để làm tăng khả năng kiềm chế sự xuất tinh. Tuy nhiên, thuốc tê thường gây giảm sự cương cứng, có thể gây cảm giác “bì bì” ở dương vật và nếu nó ngấm qua âm đạo thì cũng gây cảm giác tê rần ở âm đạo.
Các PDE5i (sildenafil, vardenafil, tadalafil, udenafil, avanafil): Đây là những thuốc dùng trong điều trị rối loạn cương. Do vậy, các thuốc này có thể có hiệu quả ở những người vừa bị rối loạn cương, vừa bị xuất tinh sớm; các trường hợp khác ít hiệu quả.
Các SSRI: Các thuốc này có thể uống mỗi ngày, ví dụ paroxetine (20 – 40mg), sertraline (50 – 100mg) và fluoxetine (20 – 40mg). Clomipramine (10 – 50mg), một thuốc chống trầm cảm ba vòng cũng có tác dụng tốt trong điều trị xuất tinh sớm. Tác dụng phụ của chúng là mệt mỏi, ngáp, buồn nôn, nhược cơ, run, phân lỏng. Những tác dụng phụ này thường xuất hiện trong tuần đầu và mất dần trong 2-3 tuần. Đôi khi chúng còn gây giảm ham muốn tình dục và giảm vừa phải độ cứng dương vật; khi ngưng thuốc thì các tình trạng này cũng mất đi. Ngoài ra, các thuốc này cũng có thể uống theo nhu cầu, khoảng 5 giờ trước khi giao hợp có thể giúp kéo dài thời gian xuất tinh.
Tất cả những thuốc kể trên đều là thuốc điều trị xuất tinh sớm không chính thức (off-label). Thuốc uống đầu tiên được chính thức công nhận là thuốc điều trị xuất tinh sớm nguyên phát theo nhu cầu, cho nam giới từ 18-64 tuổi là dapoxetine, đã được 2 nước Phần Lan và Thụy Điển cho phép lưu hành từ ngày 10/2/2009. Dapoxetine cũng là một thuốc thuộc nhóm SSRI, nhưng có thời gian tác dụng nhanh nên chỉ cần uống trước khi quan hệ 1-3 giờ và thuốc cũng mau bị thải ra khỏi cơ thể.
Chậm xuất tinh, không xuất tinh
Không xuất tinh là sự không tiết tinh vào niệu đạo sau. Bất cứ thuốc hay thủ thuật nào làm hư hại sự cung cấp thần kinh giao cảm cho ống dẫn tinh và cổ bàng quang, thần kinh thân thể ly tâm tới sàn chậu hay thần kinh thân thể hướng tâm tới dương vật đều có thể gây không tiết tinh hay chậm xuất tinh. Chậm xuất tinh hay không xuất tinh gây ra sự bức bối, mệt mỏi cho bệnh nhân và cả bạn tình.
Nguyên nhân có thể là chấn thương tủy sống (trên L10), cắt hạch giao cảm (sympathectomy) chức năng có thể do bệnh thần kinh đái tháo đường hay do phẫu thuật cắt đại tràng, trực tràng, phình động mạch chủ bụng và các bệnh lý mạch máu ngoại khoa khác, cắt tuyến tiền liệt mở và nạo hạch sau phúc mạc do ung thư tinh hoàn. Lo âu cũng là một yếu tố gây chậm xuất tinh hay không xuất tinh. Những người sử dụng các thuốc chống trầm cảm (như SSRI) cũng là nguyên nhân gây chậm xuất tinh hay không xuất tinh.
Điều trị: cần quan tâm đến hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân để làm giảm lo âu. Nếu bệnh nhân đang sử dụng SSRI thì cần ngưng thuốc này, chuyển sang nhóm chống trầm cảm khác ít gây ảnh hưởng trên sự xuất tinh và tình dục như trazodone.
Nếu bệnh nhân không đang sử dụng SSRI: Thuốc điều trị chậm xuất tinh hay không xuất tinh là những chất đồng vận α như phenylephrine. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công khá thấp (dưới 30%).
Xuất tinh ngược dòng
Xuất tinh ngược dòng là sự tống xuất của tinh dịch trong niệu đạo sau vào bàng quang, hoàn toàn hay một phần. Xuất tinh ngược dòng là do hư hỏng cơ chế đóng – mở cổ bàng quang, thường do phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt gây ra (phẫu thuật mổ hay nội soi). Bệnh nhân vẫn có cảm giác cực khoái, dù có giảm ít nhiều, một phần do tuổi cao.
Điều trị xuất tinh ngược dòng bằng các chất giống giao cảm có thể có hiệu quả như pseudoephedrine, ephedrine, phenylpropanolamine. Các chất này kích thích sự phóng xuất norepinephrine (noradrenaline) từ các tận cùng thần kinh và cũng có thể kích thích trực tiếp trên cả các thụ thể α và β adrenergic. Imipramine, ức chế sự tái hấp thu của norepinephrine cũng có thể có hiệu quả.
Ngoài ra, nam giới lớn tuổi thường hay gặp xuất tinh khô, nguyên nhân do xuất tinh ngược dòng, suy tuyến sinh dục, tắc ống phóng tinh, bất sản túi tinh hai bên.

Đầy hơi, trướng bụng là các triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh. Thông thường, chứng đầy hơi xảy ra khi thói quen ăn uống nhiều tinh bột, các loại thức ăn chứa nhiều sorbitol, thói quen hay nhai kẹo cao su, thiếu hụt enzyme lactase, suy tuyến tụy. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, khi sử dụng một số loại thuốc liều cao, kéo dài có thể dẫn tới tình trạng này.

Vitamin E
Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật như dầu cám, dầu lạc, trong các hạt nảy mầm, trong rau xanh; được hấp thu qua niêm mạc ruột và cần có sự nhũ hóa của acid mật.
Vitamin E có rất nhiều tác dụng quan trọng, trong đó có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, nhờ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào. Ngoài ra, vitamin E còn có tác dụng hiệp đồng với vitamin C, vitamin A, selen nhất là có tác dụng bảo vệ vitamin A không bị ôxy hóa.
Chính vì tác dụng chống ôxy hóa mà hiện nay, việc sử dụng vitamin E trong điều trị nhiều khi bị lạm dụng. Do đó cần phải lưu ý, khi dùng liều cao, kéo dài có thể gặp các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy…

Sắt
Sắt hằng ngày cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ thức ăn như gan, tim, trứng, thịt nạc, hoa quả. Ở người bình thường, nhu cầu sắt khoảng 0,5 – 1mg trong 24 giờ, nhưng tăng lên gấp đôi ở phụ nữ khi hành kinh và tăng lên 5 – 6 lần ở phụ nữ mang thai.
Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau cắt đoạn dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm ruột mạn tính, rong kinh, trĩ, nhiễm giun móc, phụ nữ mang thai hoặc thời kỳ cho con bú.
Tuy nhiên cần chú ý, khi dùng đường uống, thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng lợm giọng, buồn nôn, táo bón, đầy hơi… khi dùng đường tiêm có thể gây nhức đầu, buồn nôn, sốt và đặc biệt khi dùng quá liều có thể gây tử vong.
Canxi
Canxi là khoáng chất phong phú nhất trong cơ thể, tham gia vào hầu hết các quá trình của sự sống và canxi còn có tên gọi là “nguồn gốc của sự sống”.
Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng có thể duy trì chế độ ăn uống để cung cấp đủ canxi, nhất là với các đối tượng có nhu cầu canxi cao hơn bình thường như phụ nữ có thai, trẻ em đang phát triển, người cao tuổi… khi đó cần phải sử dụng canxi bổ sung dưới dạng thuốc. Nhưng bên cạnh tác dụng tích cực, khi dùng canxi bổ sung có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:
Đầy hơi: Đây là tác dụng phụ thường gặp và thường xảy ra khi mới bắt đầu sử dụng calcium bổ sung. Khi đã quen dần với liều lượng bổ sung calcium hằng ngày, sự đầy hơi cũng không còn xảy ra.
Buồn nôn và nôn: Bổ sung calcium liều cao lúc bụng đói có thể gây buồn nôn và nôn. Điều này gây ảnh hưởng tai hại cho hệ tiêu hóa. Trong trường hợp này, cần phải giảm liều lượng bổ sung calcium.
Táo bón: Đây cũng là một tác dụng phụ “kinh điển” của việc bổ sung calcium, với hệ lụy là tích lũy độc chất trong cơ thể gây trướng bụng và đau bụng.
Vitamin D
Vitamin D là một nhóm gồm từ D2 đến D7 trong đó hai chất có hoạt tính mạnh nhất là D2 và D3, trong đó D3 được tổng hợp ở các tế bào da nhờ ánh sáng tử ngoại, nếu được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì lượng D3 tạo ra đủ cho nhu cầu vitamin D của cơ thể.
Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ mà chủ yếu là canxi và phosphat; nó làm tăng hấp thu canxi và phosphat ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận, tham gia quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng. Do vậy, vai trò của nó rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ em. Bên cạnh đó, nó còn có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu luôn hằng định, khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và phospho làm canxi máu giảm, khi đó canxi bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi trong máu nên gây hậu quả là trẻ em chậm lớn còi xương, chậm biết đi, chân vòng kiềng… người lớn sẽ bị loãng xương, thưa xương, xương dễ gãy…
Tuy nhiên, khi nào bổ sung và bổ sung như thế nào cần có ý kiến thầy thuốc, không nên tự ý sử dụng thuốc, vì bên cạnh các tác dụng như trên, nếu dùng thuốc không đúng có thể gây chứng tăng canxi huyết, tăng canxi niệu, thậm chí sỏi thận, tăng huyết áp, đau nhức khớp; có thể gặp tình trạng ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy và đặc biệt là tình trạng trướng bụng đầy hơi.

Cảm cúm là bệnh thường gặp khi trời tiết trở lạnh, đặc biệt trong thời khắc giao mùa, các triệu chứng thường gặp là hắt hơi, sổ mũi, ho, đờm đặc…


Thuốc làm tăng dịch tiết
Là thuốc làm tăng bài tiết dịch ở đường hô hấp, bảo vệ niêm mạc chống lại các tác nhân kích thích và khi làm tan được những tác nhân đó sẽ giúp loại trừ chúng dễ dàng. Thuốc có 2 cơ chế tác dụng, một là kích thích các receptor để gây phản xạ phó giao cảm làm tăng bài tiết dịch ở đường hô hấp, nhưng liều có tác dụng thường làm đau dạ dày và có thể gây nôn. Một số thuốc thường dùng là natri iodid và kali iodid… Cần lưu ý, khi dùng kéo dài các thuốc này có thể gây tích lũy iod. Không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em, người bị bướu giáp. Hai là, kích thích trực tiếp các tế bào xuất tiết, thường dùng các tinh dầu bay hơi như terpin, gaicol, eucallyptol. Những tinh dầu này còn có tác dụng sát khuẩn. Không dùng gaicol cho trẻ em dưới 30 tháng tuổi.
Thuốc làm tiêu chất nhày
Các thuốc này có tác dụng làm lỏng các dịch tiết của niêm mạc khí – phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhày, dẫn đến giảm độ nhớt của chất nhày. Vì vậy, các “chất” nhày có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc sự khạc đờm. Các thuốc trong nhóm gồm có: acetylcystein, bromhexin… Tuy nhiên, các thuốc làm tiêu chất nhày có thể làm phá vỡ hàng rào chất nhày bảo vệ ở dạ dày, phải thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng.
N- acetylcystein
Đây là thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm ở phổi, tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản xạ ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học. Thuốc được dùng trong bệnh nhày nhớt, các bệnh lý hô hấp có đờm nhày quánh như trong viêm phế quản cấp hoặc mạn. Ngoài ra, còn dùng làm thuốc giải độc khi dùng quá liều paracetamol. Không dùng ở người có tiền sử hen (nguy cơ phản ứng co thắt phế quản). Thuốc có thể gây: buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhức đầu, phản ứng dị ứng. Không dùng đồng thời với các thuốc chống ho hoặc các thuốc làm giảm bài tiết dịch phế quản.
Bromhexin
Dùng điều trị những rối loạn hô hấp đi kèm với ho có đờm. Khi điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bromhexin làm tăng sự xâm nhập của một số kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng đáp ứng với kháng sinh. Cần thận trọng ở người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, bệnh hen, suy gan hoặc suy thận nặng. Khi dùng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không mong muốn do thuốc như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ enzym gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da.
Chú ý, trong điều trị ho không được dùng thuốc làm long đờm đồng thời (phối hợp) với thuốc giảm ho, vì sự phối hợp này không hợp lý. Có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu lực của chúng, trong khi người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ức chế phản xạ ho sẽ dẫn đến ứ đọng đờm).

Sẽ không có gì hợp lý hơn khi dùng chính vitamin B1 để điều trị bệnh thần kinh do thiếu vitamin này. Tuy nhiên, sự phục hồi cũng không phải đơn giản.

Bệnh viêm đa dây thần kinh là gì?
Bệnh viêm đa dây thần kinh còn được gọi với một tên khác là bệnh đa dây thần kinh, được thể hiện bằng một tình trạng rối loạn và suy giảm chức năng của các dây thần kinh ngoại biên. Tùy thuộc vào chức năng của các dây thần kinh ngoại biên là gì mà triệu chứng của bệnh ra sao: Khi dây thần kinh đó có chức năng vận động thì người bệnh sẽ bị giảm vận động. Khi chức năng của dây thần kinh đó là cảm giác thì triệu chứng sẽ là rối loạn cảm giác.

Thông thường, thứ tự thể hiện triệu chứng sẽ là rối loạn dinh dưỡng trước, rối loạn cảm giác, rồi sau đó rối loạn vận động. Khi xuất hiện thêm triệu chứng mới thì triệu chứng cũ vẫn tồn tại và tiến triển nặng thêm.Viêm đa dây thần kinh xảy ra có nhiều nguyên nhân. Có thể kể ra đây như đái tháo đường, thiếu vitamin B1, nhiễm độc, nghiện rượu… Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến nguyên nhân thiếu vitamin B1 và cách dùng vitamin này để phục hồi.
Tại sao thiếu vitamin B1 lại gây ra bệnh?
Thiếu vitamin B1 gây ra bệnh viêm đa dây thần kinh được gọi là bệnh tê phù beriberi. Bệnh xuất hiện do ăn chế độ thiếu vitamin B1 trầm trọng.
Điều đáng quan tâm với các nhà điều trị đó là cơ chế gây ra tổn thương dây thần kinh trong bệnh thiếu vitamin B1 gây ra. Bởi vì có hiểu rõ cội nguồn tổn thương thì bác sĩ điều trị mới có thể lượng giá tốt bệnh nhân và đánh giá đúng được thời gian điều trị.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, vitamin B1 có vai trò quan trọng trong việc tạo ra điện thế dẫn truyền trên dây thần kinh. Sau khi dùng chất kháng B1, phẫu tích các dây thần kinh và đo điện thế dẫn truyền, người ta thấy sự thiếu vitamin B1 gây ra sự mất điện thế dẫn truyền trên dây thần kinh và quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh bị ngừng hãm hoặc mất hoàn toàn. Khi đó, người ta thấy nồng độ vitamin B1 bị giảm 40% so với giá trị gốc. Thí nghiệm này chứng tỏ, vitamin B1 có vai trò quan trọng trong việc tạo ra hiệu điện thế dẫn truyền và duy trì chức năng thần kinh.
Đo đạc các chất năng lượng cao năng trong các tế bào thần kinh thì người ta thấy, nồng độ các chất cao năng đều bị giảm. Cụ thể, nồng độ các chất ATP bị giảm 10% còn nồng độ các chất creatinphosphat bị giảm 20% khi vitamin B1 giảm 20%.
Bằng các phân tích hình ảnh giải phẫu bệnh người ta thấy, chất trục tương bị suy giảm, tế bào Schwann bị chết dần, bao myelin bị phá vỡ và dang dở, các ty thể bị phì đại và mất chức năng. Như vậy, vitamin B1, có lẽ ngoài đóng vai trò là co-enzym chuyển hóa nó còn đóng vai trò là chất duy trì sự hoàn hảo trong việc dẫn truyền các xung động thần kinh. Và do vậy việc dùng vitamin Brất quan trọng trong điều trị chứng bệnh này.
Điều trị bằng chính vitamin B1
Trong các trường hợp nhẹ, chỉ cần uống vitamin B1 với liều 100mg/ngày duy trì liên tục trong 2-3 tuần là bệnh đã có thể hồi phục. Còn khi bệnh ở mức độ nặng, nhất là khi bị thể bệnh tim kết hợp với thần kinh, bạn nhất thiết phải dùng B1 dưới dạng tiêm.
Thường thì sau khi thiếu vitamin B1 một tháng triệu chứng mới xuất hiện nhưng chỉ cần tiêm vitamin Bsau 24-36 giờ triệu chứng đã bắt đầu được cải thiện. Các triệu chứng thần kinh rất nhạy cảm với điều trị song thời gian để hồi phục hoàn toàn lại rất chậm. Sau khi tiêm, bạn phải tiếp tục dùng vitamin B1 dạng uống duy trì liên tục từ 1-3 tháng tùy vào mức độ nặng nhẹ. Thường thì khi triệu chứng phải phục hồi được chừng 70-80% thì chúng ta mới có thể ngừng thuốc và chuyển sang chế độ điều trị bằng dinh dưỡng.
Với triệu chứng phù, sau tiêm 3 ngày, triệu chứng sẽ giảm bớt. Nhưng chân sẽ còn bị phù sau 2 tuần đầu tiên. Vì thế, bạn không được dừng thuốc ngay mà cần tiếp tục điều trị tiếp theo chiến lược như trên. Nếu như được dùng thêm với thuốc lợi tiểu thì tốc độ sẽ cải thiện nhanh hơn.
Sau khi ngừng uống và tiêm vitamin B1, bạn cần chú ý bổ sung bằng chế độ dinh dưỡng, ăn thực phẩm giàu vitamin B1.

Nhóm thuốc có đuôi “statin” như: atorvastatin, simvastatin, rosuvastatin… là một trong 4 nhóm thuốc hạ mỡ máu (còn gọi là thuốc trị rối loạn lipid huyết) được dùng phổ biến hiện nay. Tuy vậy, nhóm thuốc này luôn được các nhà khoa học lưu ý tác dụng phụ của chúng.


Trong các nhóm thuốc điều trị mỡ máu hiện có nhóm statin được thầy thuốc và người bệnh ưa dùng hơn cả. Những thuốc được dùng nhiều là atorvastatin và simvastatin. Gần đây, rosuvastatin lại nổi lên như một loại thuốc có tác dụng với nhiều nguyên nhân cơ bản gây chứng rối loạn lipid huyết và ít tác dụng phụ. Các thuốc thuộc nhóm này thường có tương tác với nhiều loại thuốc, làm tăng lượng đường máu độc với gan, suy giảm nhận thức… Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) thường xuyên theo dõi và đưa ra cảnh báo:
Tháng 2/2010: đưa simvastatin vào danh sách 27 loại thuốc cần giám sát về độ an toàn.
Tháng 3/2010: cảnh báo một số tai biến khi dùng liều cao atorvastatin, simvastatin với các chất ức chế đồng phân P450 như: kháng sinh nhóm macrolid: clarythromycin, erythromycin; nhóm ức chế protease kháng HIV: lopinavir, ritonavir, saquinavir; kháng nấm phổ rộng itraconazol. Các thuốc này sẽ làm cho nồng độ atorvastatin, simvastatin tăng cao trong máu gây đau cơ, tiêu cơ vân.
Tháng 2/2012: cảnh báo về các tác dụng phụ nguy hiểm cho người dùng thuốc thuộc nhóm statin: thuốc làm gia tăng lượng đường trong máu, tăng HbA1c (gây bệnh đái tháo đường týp 2 ở 9 – 13% người dùng thuốc thuộc nhóm statin). Do đó, cần kiểm tra lượng đường trong máu ở người đang dùng thuốc nhóm statin, nếu có tăng đường huyết thì dừng, chuyển dùng nhóm thuốc hạ lipid máu khác; suy giảm nhận thức (hay quên, lẫn), mất trí nhớ có thể xảy ra, đặc biệt ở người dùng thuốc nhóm statin lâu dài; một số thuốc (ức chế đồng phân P450) tương tác với lovastatin có thể làm tăng nguy cơ tổn thương cơ bắp (người đang dùng thuốc này cần theo dõi các triệu chứng đau, yếu cơ để ngừng thuốc); trước khi sử dụng thuốc nhóm statin cần làm các xét nghiệm men gan và đường trong máu, nếu kết quả không bình thường thì không nên dùng (lưu ý bác sĩ trước khi kê đơn thuốc thuộc nhóm statin cho người bệnh); bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết các triệu chứng bất thường xảy ra khi đang dùng thuốc nhóm statin như: mệt mỏi, ăn không ngon, khó chịu vùng bụng trên bên phải, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu,… để bác sĩ xử trí kịp thời.
Lưu ý: Không được ăn bưởi khi dùng thuốc thuộc nhóm statin (do trong dịch bưởi chứa furano coumarin làm bất hoạt, tăng giáng hóa Cyt P450), đặc biệt là simvastatin (có người đã bị tiêu cơ khi uống simvastatin với nước bưởi; có người ăn bưởi sau khi uống simvastatin đã phải đi cấp cứu do yếu cơ cả tay và chân); không dùng thuốc thuộc nhóm statin cho người mang thai, chuẩn bị mang thai, trong thời kỳ cho con bú.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Manitol tôi là thuốc lợi tiểu thẩm thấu. Tôi được chỉ định dùng để phòng hoại tử thận cấp do hạ huyết áp, thiểu niệu sau mổ, gây lợi niệu ép buộc để tăng đào thải các chất độc qua đường thận, làm giảm áp lực nội sọ trong phù não, làm giảm nhãn áp, dùng trước và trong các phẫu thuật mắt, dùng làm test thăm dò chức năng thận, dùng làm dịch rửa trong cắt nội soi tuyến tiền liệt. 

Tuyệt đối không dùng tôi cho bệnh nhân bị mất nước, suy tim sung huyết, các bệnh tim nặng, chảy máu nội sọ sau chấn thương sọ não, phù do rối loạn chuyển hóa có kèm theo dễ vỡ mao mạch, bệnh nhân suy thận nặng, bệnh nhân thiểu niệu hoặc vô niệu sau khi làm test với manitol.

Các bạn nên nhớ, trước khi dùng phải chắc chắn là người bệnh không bị mất nước. Trong lúc truyền, cần theo dõi chặt chẽ cân bằng dịch và điện giải, độ thẩm thấu của huyết tương, chức năng thận, dấu hiệu sinh tồn. Nếu lưu lượng dịch truyền vào nhiều hơn lưu lượng nước tiểu thì có thể gây ngộ độc nước. Tác dụng lợi niệu kéo dài của thuốc có thể che lấp các dấu hiệu của bù nước không đủ hoặc giảm thể tích tuần hoàn. Do dịch ưu trương, nên chỉ tiêm dung dịch manitol vào tĩnh mạch, nếu không có thể gây hoại tử mô. Khi dùng tôi theo đường uống có thể làm tăng nồng độ khí hydro trong lòng ruột già tới mức gây vỡ ruột khi trị liệu bằng thấu nhiệt (diathermy). Tuy nhiên, tôi lại dùng được cho phụ nữ có thai.
Một số tương tác thuốc các bạn cần lưu ý để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra: không được truyền manitol cùng với máu toàn phần, người bệnh đang điều trị bằng lithi cần phải theo dõi đáp ứng với thuốc khi dùng manitol.
Khi dùng tôi, các bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ như: tăng thể tích dịch ngoài tế bào, quá tải tuần hoàn (khi dùng liều cao), viêm tắc tĩnh mạch, rét run, sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, khát, tiêu chảy (khi dùng theo đường uống, manitol có tác dụng như thuốc tẩy), mất cân bằng nước và điện giải, mất cần bằng kiềm toan, đau ngực, mờ mắt. Nếu không may dùng quá liều, các bạn nên ngừng ngay việc truyền manitol và báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp kịp thời.

Vitamin D vẫn được coi là vitamin dành cho xương vì nó làm chắc và khỏe xương. Nhưng gần đây, các nhà khoa học còn khám phá thêm nhiều công dụng khác đầy thú vị của loại vitamin này.


Chống tắc mạch do đái tháo đường
Có nhiều cách phân chia biến chứng do đái tháo đường. Một trong các cách phân loại đó là phân chia theo cơ chế gây tổn thương. Biến chứng tắc mạch máu là một trong các biến chứng này.
Nó rất hệ trọng vì nó là cơ chế gây ra tổn thương đa cơ quan ở người bệnh. Vậy mà vitamin D lại có tác dụng chống lại điều này. Thực là một khám phá thú vị.
Kết luận về sự liên quan giữa vitamin D và tác dụng có lợi cho người bệnh được rút ra từ công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y Washington (thuộc Đại học Washington, Hoa Kỳ).
Nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng, hình như những người dùng vitamin D thường xuyên ít bị bệnh tim mạch và biến chứng bàn chân do tắc mạch. Họ phân tích, đo đạc và cuối cùng đi đến một kết luận là nếu như nồng độ vitamin D trong máu quá thấp, người bệnh sẽ hay bị tắc mạch hơn. Cơ chế được cho là do vitamin D làm giảm sự bám dính của các tế bào đại thực bào, các tế bào bạch cầu vào bề mặt mạch máu và do đó mạch máu ít khi bị tắc.
Thực chẳng gì thú vị hơn khám phá này. Mặc dù còn rất nhiều điều phải làm tiếp nhưng những tín hiệu mở đầu này ít nhất cũng đem lại niềm vui đầu năm mới cho những người không may bị bệnh.
Giảm nguy cơ viêm phổi trẻ em
Viêm phổi nói riêng và viêm đường hô hấp nói chung là một trong các bệnh khá thường gặp ở trẻ em tại các nước có khí hậu thất thường như nước ta. Bệnh gây ra nhiều hậu quả tai hại. Thế nhưng, nếu như bà mẹ chịu khó nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc con với chế độ đủ vitamin D và giúp bé tắm nắng đủ giờ thì mẹ có thể yên tâm con mình sẽ giảm nguy cơ với bệnh này.
Công dụng này của vitamin D được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) tìm ra. Tất nhiên không phải tự nhiên các bác sĩ ở đây lại đi thử nghiệm một cái “chả mấy liên quan” như vitamin D và viêm phổi cả. Ngọn nguồn của thăm dò này đó là một vài bác sĩ thấy rằng những đứa trẻ bị thiếu vitamin D, còi xương thì có vẻ như chúng bị viêm phổi nặng hơn. Vậy là sự “tò mò” về công dụng vitamin D xuất hiện.
Cuối cùng thì công trình nghiên cứu cũng được tiến hành. Và kết quả quan sát được là nếu một đứa trẻ không bị còi xương, không bị thiếu hụt vitamin D thì chúng sẽ giảm được một nửa nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa đông. Kết quả này cực kỳ tốt đẹp.
Cơ chế đang được tìm hiểu. Song, với bằng chứng ban đầu này, lời khuyên có lợi nhất với bà mẹ là nên cho trẻ bú mẹ đủ và uống sữa đều. Đó là một trong các biện pháp bổ sung vitamin D hoàn hảo và cũng là để tránh viêm phổi cho trẻ em.
Tăng khả năng trí lực của phụ nữ
Một bên là chất làm chắc xương, một bên là trí tuệ của thần kinh trung ương. Nghe có vẻ hơi “xa lạ” với nhau, nhưng đúng là giữa chúng có mối liên quan thật. Và nhóm các bác sĩ của Bệnh viện Angers, thuộc Đại học Angers (Pháp) đã tìm ra điều này. Các bác sĩ ở đây đã theo dõi sức khỏe của 6.257 phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau, chủ yếu là người già tham gia chương trình. Qua kiểm nghiệm, các bác sĩ thấy rằng những phụ nữ có nồng độ vitamin D trong máu quá thấp (dưới 10ng/ml) thì có nguy cơ bị chứng suy giảm trí nhớ ở người già rất cao. Ngược lại, những phụ nữ có nồng độ vitamin D trên ngưỡng tối thiểu thì ít nguy cơ hơn.
Tiếp tục theo dõi, các bác sĩ nhận thấy nếu như một tuần mà tổng lượng vitamin D bổ sung vào theo các con đường khác nhau dưới 50mcg thì những đối tượng này cũng có nguy cơ cao bị suy giảm trí nhớ.
Qua phân tích tổng hợp, các bác sĩ lão khoa đã thấy có một mối liên quan nào đó giữa vitamin D và khả năng trí nhớ của phụ nữ. Mặc dù cơ chế chưa được tìm ra là tại sao và bằng cách nào song với khám phá này, một lần nữa lại khẳng định người cao tuổi nên ra ngoài trời tập dưỡng sinh và tắm nắng đủ. Và những phụ nữ có người thân bị mắc chứng Alzheimer thì hãy chú ý phòng bệnh.
Kéo dài tuổi thọ
Đây là thông tin cuối cùng nhưng cũng là thông tin thú vị nhất trong dịp đầu năm này. Các nhà nghiên cứu đã đăng tải một công trình nghiên cứu vô cùng hấp dẫn trên tạp chí khoa học Chuyển hóa và Nội tiết lâm sàng. Nội dung của công trình nghiên cứu này là tìm hiểu và xác định thực hư giữa vitamin D và khả năng kéo dài tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi trên những người tình nguyện tại Mỹ. Qua phân tích, họ rút ra một kết luận: những người có nồng độ vitamin D trong máu thấp, dưới 20ng/ml thì sẽ bị giảm tuổi thọ với nguy cơ “đi sang thế giới bên kia” sớm tăng 50%. Còn những người có đủ nồng độ vitamin D sẽ giảm được nguy cơ này và kéo dài tuổi thọ hơn.
Cơ chế được đề xuất có nhiều, nhưng một trong các giả thuyết mà các nhà nghiên cứu công bố đó là vitamin D có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch khi về già. Đồng thời, vitamin này còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh lão hóa, vốn là các bệnh kinh niên. Do đó giúp kéo dài tuổi thọ.
Vậy nên, dịp đầu năm, lời khuyên cho những bậc tuổi vàng là nếu như muốn tiếp tục ban phước ban lộc cho con cháu thì hãy tích cực vận động, thể dục và tắm nắng để thu thêm vitamin D tự nhiên như là những biện pháp kéo dài tuổi thọ vậy. Nhớ là người già chỉ tắm nắng chừng 1giờ/ngày thôi nhé.

Phenylephrine tôi là thuốc giảm sung huyết trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa và cảm. Tôi có tác dụng giãn phế quản và có trong một số thuốc dùng trong điều trị bệnh hen phế quản và viêm phế quản mạn. Trong dạng thuốc nhỏ mắt, phenyllephrine tôi lại được dùng để làm giãn đồng tử lúc khám (soi đáy mắt) hay phẫu thuật mắt.

Trước đây, tôi đã được chỉ định để điều trị giảm huyết áp trong sốc sau khi đã bù đủ dịch hoặc giảm huyết áp do gây tê tủy sống; cơn nhịp nhanh kích phát trên thất; để kéo dài thời gian tê trong gây tê tủy sống hoặc gây tê vùng. Hiện nay, thuốc này ít được chỉ định. Nhỏ mắt để làm giãn đồng tử (trong điều trị viêm màng bồ đào có khả năng gây dính; chuẩn bị trước khi phẫu thuật trong nhãn cầu). Nhỏ mắt để làm giảm sung huyết kết mạc (trong viêm kết mạc cấp). Nhỏ mũi để làm giảm sung huyết mũi, xoang do bị cảm lạnh.
Tuyệt đối không dùng tôi cho bệnh nhân tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp nặng, blốc nhĩ thất, xơ cứng động mạch nặng, nhịp nhanh thất, cường giáp nặng hoặc bị glôcôm góc đóng. Dung dịch 10% không dùng cho trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi. Không dùng cho bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hoặc mẫn cảm chéo với pseudoephedrin.
Cần thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, bệnh nhân cường giáp, nhịp tim chậm, blốc tim một phần, bệnh cơ tim, xơ cứng động mạch nặng, đái tháo đường týp I. Thận trọng khi dùng tôi cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Một số tác dụng không mong muốn của tôi: kích động thần kinh, bồn chồn, lo âu, khó ngủ, người yếu mệt, choáng váng, đau trước ngực, run rẩy, dị cảm đầu chi, tăng huyết áp, da nhợt nhạt, trắng bệch, cảm giác lạnh da, dựng lông tóc, kích ứng tại chỗ.
Khi sử dụng tôi, bạn phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của thầy thuốc để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra. Nhất là khi gặp phải những tương tác thuốc không nên có. Đồng thời, bạn cũng chớ nên dùng tôi quá liều, vì tôi sẽ làm bạn làm tăng huyết áp, nhức đầu, cơn co giật, xuất huyết não, đánh trống ngực, ngoại tâm thu, dị cảm. Nhịp tim chậm thường xảy ra sớm.

Các phương pháp điều trị cho các chứng đau mạn tính thay đổi tùy theo nguyên nhân. Từ các thuốc theo đơn và không theo đơn đến các kỹ thuật can thiệp như châm cứu, nếu một phương pháp không đạt kết quả thì phương pháp khác sẽ được sử dụng thay thế. Khi nói đến điều trị đau mạn tính, không có kỹ thuật đơn lẻ nào bảo đảm có thể làm giảm đau hoàn toàn, mà thường phải sử dụng tổng hợp cùng lúc nhiều phương pháp điều trị.

Ðiều trị bằng thuốc: theo đơn và không theo đơn
Đối với các hình thức đau nhẹ, có thể dùng các thuốc giảm đau không theo toa như tylenol (acetaminophen) hoặc thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs) như aspirin và aleve. Cả acetaminophen và NSAIDs đều có tác dụng giảm đau do đau cơ và đau khớp, nhưng chỉ có NSAIDs mới có tác dụng giảm viêm. Các thuốc giảm đau dạng khác như dạng kem, dung dịch dùng ngoài hoặc thuốc xịt được dùng ngoài da để giảm đau do đau cơ và viêm khớp.

Nếu các loại thuốc không theo đơn không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn cho thuốc mạnh hơn, chẳng hạn như thuốc giãn cơ, thuốc chống lo âu (như valium), thuốc chống trầm cảm, các thuốc chống viêm cần toa như celebrex hoặc một liệu trình ngắn các thuốc giảm đau mạnh hơn (như codein, fentanyl, percocet hoặc vicodin). Cũng có thể dùng một lượng steroid hạn chế tiêm tại khớp làm giảm sưng và viêm.
Tháng 4/2005, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu celebrex đưa ra các cảnh báo mới về nguy cơ tiềm năng của các cơn đau tim và đột quỵ cũng như loét dạ dày chảy máu. Đồng thời, FDA yêu cầu các thuốc chống viêm không theo đơn (trừ aspirin) sửa lại nhãn mác để thêm các thông tin nguy cơ về tim và loét dạ dày chảy máu.
Giảm đau có kiểm soát trên Patient-controlled analgesia -  PCA) là một phương pháp kiểm soát đau khác. Bằng cách ấn một nút trên bơm máy, bệnh nhân có thể tự quản lý liều thuốc giảm đau cơ sở. Bơm này được kết nối với một ống nhỏ, cho phép thuốc được tiêm vào tĩnh mạch, dưới da hoặc vào khu vực cột sống. Điều này thường được sử dụng trong bệnh viện để điều trị đau.
Đôi khi, thuốc tê cục bộ được sử dụng để phong bế một nhóm các dây thần kinh là nguyên nhân gây đau cho một cơ quan cụ thể hoặc một vùng cơ thể. Mặc dù có nhiều loại phong bế thần kinh, nhưng phương pháp điều trị này không phải luôn luôn được sử dụng. Thường thì các kỹ thuật phong bế không thể thực hiện do quá nguy hiểm hoặc không phải là cách điều trị tốt nhất. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn xem liệu biện pháp này có thích hợp cho bạn.
Tiêm điểm đau kích thích
Tiêm điểm đau kích thích là thủ thuật được sử dụng để điều trị các chứng đau của cơ có chứa các điểm đau kích thích hoặc các điểm co thắt cơ hình thành khi các cơ không được thư giãn. Trong thủ thuật này, chuyên gia y tế sử dụng một mũi kim nhỏ, tiêm một lượng thuốc tê, có thể bao gồm steroid vào một điểm kích thích làm cho các điểm này không hoạt động và đau sẽ giảm. Thông thường, một liệu trình điều trị ngắn sẽ cho kết quả giảm đau bền vững.
Tiêm điểm đau kích thích  được dùng để chữa đau cơ cánh tay, chân, thắt lưng và cổ. Ngoài ra, cách tiếp cận này đã được sử dụng để điều trị đau xơ cơ, đau đầu căng thẳng và hội chứng đau myofascial (đau mạn tính liên quan đến các mô quanh cơ) mà không đáp ứng với điều trị khác.
Phẫu thuật cấy ghép
Khi thuốc và vật lý trị liệu không đạt kết quả, bạn có thể được chỉ định một phẫu thuật cấy ghép để giúp bạn kiểm soát đau. Có hai loại chính của cấy ghép để kiểm soát đau:
Cấy thuốc
Còn gọi là bơm truyền thuốc giảm đau hoặc hệ thống cấp thuốc cột sống. Bác sĩ phẫu thuật tạo ra một túi dưới da đủ rộng để chứa một cái bơm thuốc. Bơm này thường dày khoảng 1 inch và rộng 3 inch. Bác sĩ phẫu thuật cũng chèn một ống catheter có thể dẫn thuốc giảm đau từ bơm vào khoang nội tủy quanh tủy sống. Việc cấy ghép cho phép đưa thuốc trực tiếp vào tủy sống, nơi mà các tín hiệu đau đi vào. Vì lý do này, đưa thuốc vào khoang nội tủy có thể kiểm soát đau đáng kể với liều nhỏ hơn so với thuốc uống. Bên cạnh đó, hệ thống này có thể gây ra ít tác dụng phụ hơn so với thuốc uống vì chỉ cần một lượng thuốc ít hơn.
Cấy ghép thiết bị kích thích tủy sống
Trong sự kích thích tủy sống, các tín hiệu điện cường độ thấp được truyền đến tủy sống hoặc các dây thần kinh đặc hiệu để chặn các tín hiệu đau truyền lên não. Trong thủ thuật này, một thiết bị phát ra các tín hiệu điện được phẫu thuật cấy ghép trong cơ thể. Một điều khiển từ xa được bệnh nhân sử dụng để bật tắt thiết bị và điều chỉnh cường độ của các tín hiệu.
Hiện nay có 2 loại máy kích thích tủy sống. Loại thiết bị cấy ghép hoàn toàn có thể tạo xung và không cần pin được sử dụng rộng rãi. Loại thiết bị khác bao gồm một ăng-ten, bộ dẫn truyền và một bộ tiếp nhận dựa theo tần số radio. Hệ thống ăng-ten và bộ dẫn truyền được mang bên ngoài cơ thể, trong khi bộ tiếp nhận được cấy ghép bên trong cơ thể.
Vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp giảm đau bằng cách sử dụng các kỹ thuật đặc biệt làm cải thiện vận động và các chức năng suy giảm bởi các  thương tổn và khuyết tật. Cùng với việc sử dụng các kỹ thuật thư giãn và giảm đau, bác sĩ vật lý trị liệu có thể sử dụng dòng TENS để điều trị. Tập thể dục và điều trị tâm lý cũng góp phần không nhỏ trong việc điều trị đau.
Ngoài ra, còn có các liệu pháp khác: các liệu pháp trí óc – cơ thể, châm cứu, tác động cột sống và xoa bóp, dinh dưỡng bổ sung, thảo dược…

Một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là do chúng ta ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn. Biểu hiện nhẹ là rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là tiêu chảy, buồn nôn và nôn…


Khi bị rối loạn đường tiêu hóa có thể dùng thuốc bisepton. Đây là thuốc có tác dụng kháng khuẩn kết hợp hai thành phần (gồm trimethoprim và sulfamethoxazole) có tác dụng tốt trong điều trị viêm đường tiêu hóa, kiết lỵ mãn, đặc biệt nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do Salmonella, E. coli. Thuốc cũng được dùng rộng rãi trong điều trị cho trẻ em. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng chống nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, sinh dục (viêm bàng quang, viêm bể thận, viêm tuyến tiền liệt cấp và mạn), dùng điều trị chủ yếu các nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, viêm phế quản cấp và mãn, viêm xoang, viêm tai giữa.
Hiệu quả điều trị của biseptol dựa trên tác dụng tương hỗ lẫn nhau của hai thành phần trimethoprim và sulfamethoxazole (được phối hợp theo tỷ lệ tối ưu 1:5) trong khi bào chế. Khi vào cơ thể thuốc tác dụng lên quá trình hình thành và chuyển hóa axit folic gây ức chế quá trình tổng hợp nhân DNA của vi khuẩn. Biseptol có tác dụng kìm khuẩn mạnh chủ yếu là các vi khuẩn Gram (+) và một số vi khuẩn Gram (-). Vì có sự phối hợp này tạo tác dụng hiệp đồng tăng cường làm tăng hiệu quả điều trị và giảm kháng thuốc.
Khi bị rối loạn tiêu hóa, người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, uống 2 viên một lần, ngày uống 2 lần. Trẻ em dưới 12 tuổi và những bệnh nhân có yêu cầu chữa trị đặc biệt dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Không dùng thuốc trong trường hợp người bệnh mẫn cảm với sulfamid hoặc trimethoprim. Không dùng thuốc cho trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
Khi dùng thuốc, đôi khi có thể gây tác dụng rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dị ứng da, mẩn đỏ nhẹ. Nếu dùng trong thời gian dài, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi, thuốc có thể làm thay đổi các yếu tố trong máu như giảm bạch cầu hạt. Liều cao, đặc biệt ở bệnh nhân gầy yếu có thể gây kết tinh niệu. Cần lưu ý, nếu bệnh nhân bị tiêu chảy hoặc nổi mẩn đỏ ở da thì ngừng thuốc. Trong trường hợp điều trị lâu (trên 14 ngày) và bệnh nhân cao tuổi cần phải kiểm tra công thức máu và nên bổ sung axit folic mỗi ngày.

Viêm tắc động mạch (endarteritis obliterans) là viêm nội mạc các động mạch, thường xuất hiện ở các động mạch nhỏ. Màng nội mạc có xu hướng dày dần lên, dẫn đến tình trạng tắc lòng động mạch, gây hoại tử phần tương ứng được nuôi dưỡng.

Viêm tắc động mạch thường ở nam giới, đa số các trường hợp bệnh phát triển ở chi dưới, nhưng cũng có thể gặp ở chi trên, ở các động mạch ruột, vành tim và não. Dưới đây xin giới thiệu một số thuốc và phương pháp điều trị bệnh này.
Dùng thuốc điều trị viêm tắc mạch
 Mục đích là làm mất sự co thắt các mạch máu và triệu chứng đau do nó gây nên, điều chỉnh lại các quá trình phản xạ ảnh hưởng đến tuần hoàn trong các chi và tăng cường tiếp tế máu động mạch cho chi bị bệnh.

Trước hết cần loại bỏ các yếu tố kích thích gây co mạch: tránh tiếp xúc lạnh, tránh chèn ép lên chi như đi tất chật, bỏ hút thuốc… Sau đó, mới sử dụng đến thuốc hỗ trợ.
Thuốc chống co thắt mạch máu:
Acetylcholin tiêm hằng ngày: là chất tác dụng kích thích hệ muscarinic làm chậm nhịp tim, giãn mạch và hạ huyết áp. Tuy nhiên trong cơ thể, acetylcholin bị phá hủy rất nhanh.
Papaverin: có tác dụng chống co thắt cơ trơn và gây giãn mạch ngoại vi.  Spasmaverin là thuốc có tác dụng chống co thắt tổng hợp, mạnh gấp 3 lần papaverin nhưng ít độc hơn 3 lần.
Nospa tác dụng và liều lượng như spasmaverin, có thể tiêm vào động mạch.
 Buflomedil (fonzylane, pondil): là thuốc tổng hợp tăng cường tuần hoàn ở động mạch nhỏ và mao mạch do làm giãn mạch. Được chỉ định trong chứng suy tuần hoàn động mạch ở các chi, rối loạn vận mạch ở đầu chi như hội chứng Raynaud, thiểu năng tuần hoàn não, tuần hoàn võng mạc và ốc tai (gây giảm thị lực và thính lực).
Liệu pháp novocain:
Tiêm novocain trực tiếp vào mạch máu để tác động lên thần kinh của mạch máu, làm mất hiện tượng co thắt mạch. Phương pháp này chỉ áp dụng trong giai đoạn thứ nhất và thứ hai của bệnh, khi còn sự lưu thông của động mạch đùi.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu nhằm mục đích chống viêm, chống co thắt, tăng cường tuần hoàn, chống loét. Chống viêm: khi bệnh mới bắt đầu.
Tử ngoại: tại chỗ động mạch (và tĩnh mạch nếu có) 3 – 4 LSH, cách nhau 2 – 3 ngày một lần, một đợt 3 – 4 lần.
Sóng ngắn: dùng liều nhỏ không nóng 15 – 30W, có thể dùng chế độ xung với công suất đỉnh lớn trong khi công suất trung bình nhỏ để tăng cường tác dụng chống viêm, mỗi lần 5 – 6 phút, 7 – 10 lần. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn xơ sẹo, viêm mạn, dùng phương pháp điện di natri iodua (hay kali iodua, đặt điện cực âm cho thuốc vào chỗ tắc). Hoặc dùng paraffin đắp vào chỗ tắc. Chống co thắt bằng điện di magne sulfat: điện cực dương cho thuốc đặt ở gốc chi trên thân động mạch chính, 15 – 20 lần một đợt, có thể làm nhiều đợt cách nhau 2 – 3 tuần.
Siêu âm: di động ở vùng thân động mạch gốc chi và dọc đường đi của động mạch chính, 0,2 – 0,6W/cm2 , 6 – 10 phút, 10 – 15 lần một đợt.
Sử dụng nhiệt liều nóng nhẹ (hồng ngoại, paraffin), xoa bóp. Bệnh nhân cần vận động thể dục sau khi điều trị nhiệt và xoa bóp. Ngoài ra, còn điều trị tổn thương hoại tử: như vết thương thông thường: tử ngoại, hồng ngoại, sóng ngắn… Cuối cùng, cần tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Ðiều trị bằng phẫu thuật
Mục tiêu điều trị cơ bản là mở thông động mạch chậu – chi dưới. Có hai phương pháp mở thông động mạch chậu – chi dưới: nong – đặt stent động mạch chậu – chi dưới qua da bằng ống thông (can thiệp mạch) và phẫu thuật làm cầu nối động mạch.
Chỉ định phương pháp can thiệp hay phẫu thuật được cân nhắc tùy trường hợp cụ thể. Phương pháp can thiệp mạch có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật, ngày càng được bệnh nhân chấp nhận nhiều hơn, có thể thực hiện được cho phần lớn bệnh nhân, kể cả các trường hợp bị tổn thương mạch nhỏ ở cẳng chân và bàn chân. Các loại thuốc uống sau can thiệp hoặc phẫu thuật rất quan trọng để duy trì kết quả điều trị, hạn chế bị tắc lại.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Vitamin C (acid ascorbic) là vitamin rất cần thiết cho cơ thể. Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi như nước cam, chanh, quýt và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, khoai tây, rau cải, cà chua… Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng của cơ thể khi bị nhiễm khuẩn.

Giúp trẻ em tăng trưởng và phòng bệnh
Vitamin C rất quan trọng với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, giúp trẻ hấp thu hiệu quả sắt và canxi từ thực phẩm. Trong giai đoạn cơ thể phát triển nhanh, trẻ rất dễ bị thiếu vitamin C do chế độ ăn không cung cấp đủ với các biểu hiện như: giảm sức đề kháng, hay ốm vặt kèm theo mệt mỏi, biếng ăn, mụn nhọt, rôm sảy, dị ứng, mẩn ngứa, phát ban, lợi sưng, dễ chảy máu chân răng, lở miệng, nhiệt miệng… Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ, giúp trẻ tự bảo vệ cơ thể, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh thường gặp do vi khuẩn, virut gây ra: cảm cúm, sốt virut, tay – chân – miệng, thủy đậu, sốt do nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp, hen suyễn…

Mặc dù là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhưng vitamin C là hợp chất cơ thể không tự tổng hợp được, không bền, dễ tan trong nước nên không được tích luỹ trong cơ thể. Mặt khác, vitamin C dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn chế biến sẵn hoặc để lâu dễ bị mất đi, vì vậy, vitamin C cần được cung cấp hàng ngày. Nguồn cung cấp vitamin C cho trẻ cơ bản từ chế độ dinh dưỡng, từ rau củ (súp lơ, cải bắp, khoai lang, khoai tây…), từ các loại quả (cam, quýt, đào, lê, táo…). Tuy nhiên, lượng vitamin C sẽ bị hao hụt đi rất nhiều trong quá trình bảo quản và chế biến, vì vậy, trẻ không nhận được đủ  vitamin C cần thiết cho cơ thể và cần bổ sung các chế phẩm chứa vitamin C.
Lưu ý khi sử dụng cùng với thuốc khác
Trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến cơ thể trẻ  không thích nghi kịp, các bậc cha mẹ nên duy trì bổ sung vitamin C đều đặn hàng ngày kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho trẻ trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh lây qua đường hô hấp do vi khuẩn và virut gây ra, tránh tình trạng bệnh tái nhiễm nhiều lần, giúp trẻ luôn mạnh khỏe. Cần có chế độ ăn uống hợp lý ngoài các chất thiết yếu cần bổ sung đầy đủ các loại rau xanh và trái cây để cơ thể không bị thiếu vitamin C. Bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng con đường tự nhiên qua ăn uống tốt hơn là dùng thuốc. Vì đây cũng là vitamin cần thiết giúp cho cơ thể chống lại các chất ôxy hóa, giữ được nét thanh xuân cho cơ thể, nhất là biểu hiện trên da.
Cần lưu ý, khi đang uống các loại thuốc kháng sinh, nhất là các kháng sinh nhóm beta lactam như penicilin, ampicilin, amoxycilin, augmentin, unacyl, cloxacylin, oxacilin… cần chú ý không được dùng nước hoa quả hay các đồ uống có vị chua bởi vì các kháng sinh này không bền ở môi trường acid. Trong khi đó, vitamin C sủi chính là dung dịch acid ascorbic. Nhiều người thường có thói quen uống thuốc xong lại cho uống viên C sủi hoặc dùng ngay dung dịch viên C sủi để uống các loại thuốc kháng sinh khác. Đây là cách dùng thuốc không đúng dẫn đến tương tác thuốc giữa kháng sinh và vitamin C vốn có bản chất là một acid nên tác dụng của thuốc kháng sinh sẽ bị ảnh hưởng trong môi trường acid của vitamin C. Vì vậy, khi đang dùng kháng sinh, tốt nhất không nên uống cùng lúc với các thuốc có vitamin C. Cũng không nên dùng các loại nước hoa quả chua, các loại nước ngọt có ga và có pH acid ngay sau khi vừa uống thuốc kháng sinh. Cần nhớ rằng, nhiều loại thuốc kháng sinh nhóm beta lactam có tên biệt dược khác như amoksiklav, clamoxyl, hiconcil, ospen, dodacin… cũng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc không uống cùng với các chất có pH acid. Vì vậy, khi đang dùng các thuốc kháng sinh đường uống, tốt nhất không nên uống với các chất có vitamin C.
Nhiều người đau dạ dày do viêm, loét thường được khuyên không nên ăn chua để tránh tăng acid dịch vị gây ra các cơn đau do kích thích ổ viêm loét. Vitamin C có vị chua nên nhiều người lầm tưởng là bệnh dạ dày thì không được dùng thuốc này. Tuy nhiên, vitamin C là một sinh tố cần thiết cho sức khỏe và có tác dụng tốt bảo vệ thành mạch. Hơn nữa, vitamin C không chỉ là thuốc và không phải chỉ có trong những trái cây chua  như chanh, cam… mà nó còn có nhiều trong những trái cây ngọt như đu đủ, dưa hấu… cũng như trong nhiều loại rau cải như bông cải trắng, bông cải xanh, ớt chuông, rau dền, măng tây, giá, hành tây… Người bị đau dạ dày vẫn cần ăn đủ các thức ăn trên để cơ thể tăng sức đề kháng và không bị thiếu sinh tố C. Dùng vitamin C không những không hại đến dạ dày mà còn giúp giảm nguy cơ bị nhiễm vi trùng H.Pylori là nguyên nhân thường nhất gây viêm, loét dạ dày. Vitamin C có tác dụng bảo vệ dạ dày nếu tiêu thụ trong mức cho phép. Duy trì hàm lượng vitamin C bình thường trong dịch dạ dày có thể phát huy hiệu quả chức năng của dạ dày, bảo vệ bụng và tăng cường sức đề kháng cho dạ dày. Tốt nhất, nên bổ sung vitamin C từ các loại rau củ quả.

Thuốc kháng thấp sinh học là tất cả các thuốc có đặc tính kháng thấp mang cấu trúc là các phân tử sinh học, phân biệt hoàn toàn với các thuốc kháng thấp mang bản chất là các hợp chất hóa học tổng hợp.

Thuốc kháng thấp sinh học là gì?
Hiện nay, thuốc kháng thấp được dùng trong bệnh viêm đa khớp dạng thấp được phân chia thành 2 loại cơ bản: thuốc kháng thấp thông thường (thuốc kháng thấp tổng hợp) và thuốc kháng thấp sinh học (các hoạt chất sinh học).

Thuốc kháng thấp tổng hợp là các hợp chất hóa học được tổng hợp có tác dụng chống thấp như methothrexat. Khác với thuốc kháng thấp tổng hợp, thuốc kháng thấp sinh học được tổng hợp theo con đường sinh học, sử dụng các công nghệ sinh học để tạo ra như công nghệ tái tổ hợp.
Thuốc kháng thấp sinh học có nhiều loại khác nhau, gồm các chất ức chế yếu tố hoại tử u TNF, các chất ức chế interleukin 1, các chất ức chế sự kích thích tế bào lympho T và các chất ức chế tế bào lympho B. Các thuốc ức chế TNF như etanercept, infliximab và adalimuma, thuốc ức chế interleukin 1 như anakinra, thuốc ức chế kích thích tế bào lympho T như abatacept và thuốc ức chế tế bào lympho B như rituximab.
Sở dĩ người ta chế ra các thuốc này là vì trong những năm gần đây, ở bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp mức độ nặng đều có nồng độ các yếu tố hoại tử u TNF và interleukin 1 tăng cao. Các chất này được coi là các cytokin có vai trò gây viêm quan trọng. Trên thực tế, các chất này mang tính đặc hiệu trong bệnh ung thư. TNF được tìm thấy nhiều trong các bệnh liên quan đến ung thư và nó có tác dụng tiêu diệt khối u. Interleukin 1 là một chất trung gian hóa học do tế bào bạch cầu tiết ra có khả năng hấp dẫn và hóa ứng động các tế bào bạch cầu ở vùng xa cơ thể tập trung tại một vị trí nhất định. Nhưng do cả hai yếu tố này đều tăng mạnh trong bệnh viêm khớp dạng thấp nên một giả thiết đã được đề ra là hai yếu tố này có vai trò nào đó trong phản ứng viêm, nhất là viêm khớp. Vì thế, các thuốc kháng thấp sinh học được tạo ra nhằm mục đích điều trị này.
Chúng có gì khác biệt?
Về cấu trúc hóa học, các thuốc kháng thấp tổng hợp mang bản chất là các hợp chất hóa học được tổng hợp bên ngoài cơ thể sống. Vì thế, chúng là các thuốc gây hại cho hai cơ quan chuyển hóa đó là gan và thận. Đa phần các hợp chất hóa học ngoại sinh, kể cả các chất dùng làm thuốc đều là các chất ngoại lai và không phù hợp với cơ thể. Cho nên, một đặc điểm của chúng là dễ gây viêm gan và suy thận. Khác với dòng thuốc này, các thuốc kháng thấp sinh học đều mang bản chất là các hợp chất sinh học, được sản xuất theo công nghệ sinh học và mang cấu trúc thân thiện với các cơ thể sống. Ở một góc độ nào đó, chúng ít độc hại với gan và thận hơn với những thế hệ đồng nhiệm.
Điều này có ảnh hưởng chặt chẽ tới chỉ định sử dụng và các tai biến cần theo dõi khi dùng thuốc. Bởi nếu như người bệnh bị viêm gan nặng thì thuốc kháng thấp tổng hợp sẽ không được lựa chọn như là một giải pháp ưu tiên.
Về mục tiêu tác dụng, đối với các thuốc kháng thấp tổng hợp, mục tiêu tác dụng của chúng là tế bào. Tức là chúng sẽ xâm nhập vào tế bào, tác động vào một khâu đặc hiệu nào đó nhằm đạt đến một mục đích cuối cùng là giảm quá trình tổng hợp các chất trung gian hóa học của viêm, do đó giảm được viêm khớp. Nhưng với các thuốc kháng thấp sinh học thì mục tiêu chính của các thuốc này không phải là tế bào mà là các phân tử sinh học. Chúng tác động trực tiếp vào các chất hóa học gây viêm và ức chế sự hoạt động của chúng. Do đó, các tế bào và hoạt động của tế bào lại không hề bị ảnh hưởng hay đúng ra là ít bị ảnh hưởng.
Chính vì điều này mà tác dụng làm giảm đau, giảm viêm mang tính cấp tốc và đạt được nhanh hơn nhiều so với thuốc kháng thấp tổng hợp. Nhưng chúng lại chỉ có tác dụng với các chất gây viêm đã được tạo ra sẵn chứ chúng không có tác dụng với các chất gây viêm sắp được tạo ra hay là các chất gây viêm thế hệ thứ 2. Cho nên, điều này ảnh hưởng mạnh mẽ tới thời điểm điều trị. Cũng vì tác dụng vào các chất trung gian hóa học gây viêm mà tác dụng phụ của các thuốc này cũng rất nghiêm trọng, rất cần cân nhắc.
Khi nào quyết định dùng?
Chỉ nên dùng thuốc kháng thấp sinh học khi các thuốc kháng thấp tổng hợp thất bại. Tức là, thuốc kháng thấp sinh học chỉ được coi là giải pháp thứ 2, lựa chọn kế tiếp chứ không phải là các thuốc đầu tay trị thấp.
Đầu tiên, bạn phải dùng thuốc kháng thấp tổng hợp trước. Tiến hành dùng liều thấp hoặc vừa đủ, sau đó tăng dần liều đến liều đáp ứng. Duy trì liều này từ 1-3 tháng. Nếu người bệnh đáp ứng thì phác đồ điều trị được duy trì. Còn nếu thất bại thì chúng ta buộc phải lựa chọn một trong nhiều giải pháp: dùng thêm với thuốc kháng thấp sinh học trong khi vẫn dùng thuốc kháng thấp tổng hợp.
Làm thế nào để biết không đáp ứng với điều trị? Đó là khi người bệnh dùng thuốc mà khớp bị viêm không hết đau hoặc giảm đau rất ít, khó vận động và cải thiện được rất ít. Sự biến dạng bên ngoài của khớp như sưng nề không cải thiện như kỳ vọng.
Trong một số trường hợp, thuốc kháng thấp sinh học được dùng ngay từ đầu với các thuốc kháng thấp tổng hợp nếu như người bệnh bị viêm khớp dạng thấp mức độ nặng.
Có một điểm cần lưu ý: bệnh nhân bị bệnh lao, thiếu máu, suy tủy xương, viêm đa dây thần kinh, suy tim, u và ung thư hoàn toàn chống chỉ định với các thuốc này. Nếu không, quá trình ung thư sẽ xảy ra rất nhanh và nhanh chóng đi đến điểm kết thúc.
Design by Hao Tran -