Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Viêm tắc động mạch (endarteritis obliterans) là viêm nội mạc các động mạch, thường xuất hiện ở các động mạch nhỏ. Màng nội mạc có xu hướng dày dần lên, dẫn đến tình trạng tắc lòng động mạch, gây hoại tử phần tương ứng được nuôi dưỡng.

Viêm tắc động mạch thường ở nam giới, đa số các trường hợp bệnh phát triển ở chi dưới, nhưng cũng có thể gặp ở chi trên, ở các động mạch ruột, vành tim và não. Dưới đây xin giới thiệu một số thuốc và phương pháp điều trị bệnh này.
Dùng thuốc điều trị viêm tắc mạch
 Mục đích là làm mất sự co thắt các mạch máu và triệu chứng đau do nó gây nên, điều chỉnh lại các quá trình phản xạ ảnh hưởng đến tuần hoàn trong các chi và tăng cường tiếp tế máu động mạch cho chi bị bệnh.

Trước hết cần loại bỏ các yếu tố kích thích gây co mạch: tránh tiếp xúc lạnh, tránh chèn ép lên chi như đi tất chật, bỏ hút thuốc… Sau đó, mới sử dụng đến thuốc hỗ trợ.
Thuốc chống co thắt mạch máu:
Acetylcholin tiêm hằng ngày: là chất tác dụng kích thích hệ muscarinic làm chậm nhịp tim, giãn mạch và hạ huyết áp. Tuy nhiên trong cơ thể, acetylcholin bị phá hủy rất nhanh.
Papaverin: có tác dụng chống co thắt cơ trơn và gây giãn mạch ngoại vi.  Spasmaverin là thuốc có tác dụng chống co thắt tổng hợp, mạnh gấp 3 lần papaverin nhưng ít độc hơn 3 lần.
Nospa tác dụng và liều lượng như spasmaverin, có thể tiêm vào động mạch.
 Buflomedil (fonzylane, pondil): là thuốc tổng hợp tăng cường tuần hoàn ở động mạch nhỏ và mao mạch do làm giãn mạch. Được chỉ định trong chứng suy tuần hoàn động mạch ở các chi, rối loạn vận mạch ở đầu chi như hội chứng Raynaud, thiểu năng tuần hoàn não, tuần hoàn võng mạc và ốc tai (gây giảm thị lực và thính lực).
Liệu pháp novocain:
Tiêm novocain trực tiếp vào mạch máu để tác động lên thần kinh của mạch máu, làm mất hiện tượng co thắt mạch. Phương pháp này chỉ áp dụng trong giai đoạn thứ nhất và thứ hai của bệnh, khi còn sự lưu thông của động mạch đùi.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu nhằm mục đích chống viêm, chống co thắt, tăng cường tuần hoàn, chống loét. Chống viêm: khi bệnh mới bắt đầu.
Tử ngoại: tại chỗ động mạch (và tĩnh mạch nếu có) 3 – 4 LSH, cách nhau 2 – 3 ngày một lần, một đợt 3 – 4 lần.
Sóng ngắn: dùng liều nhỏ không nóng 15 – 30W, có thể dùng chế độ xung với công suất đỉnh lớn trong khi công suất trung bình nhỏ để tăng cường tác dụng chống viêm, mỗi lần 5 – 6 phút, 7 – 10 lần. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn xơ sẹo, viêm mạn, dùng phương pháp điện di natri iodua (hay kali iodua, đặt điện cực âm cho thuốc vào chỗ tắc). Hoặc dùng paraffin đắp vào chỗ tắc. Chống co thắt bằng điện di magne sulfat: điện cực dương cho thuốc đặt ở gốc chi trên thân động mạch chính, 15 – 20 lần một đợt, có thể làm nhiều đợt cách nhau 2 – 3 tuần.
Siêu âm: di động ở vùng thân động mạch gốc chi và dọc đường đi của động mạch chính, 0,2 – 0,6W/cm2 , 6 – 10 phút, 10 – 15 lần một đợt.
Sử dụng nhiệt liều nóng nhẹ (hồng ngoại, paraffin), xoa bóp. Bệnh nhân cần vận động thể dục sau khi điều trị nhiệt và xoa bóp. Ngoài ra, còn điều trị tổn thương hoại tử: như vết thương thông thường: tử ngoại, hồng ngoại, sóng ngắn… Cuối cùng, cần tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Ðiều trị bằng phẫu thuật
Mục tiêu điều trị cơ bản là mở thông động mạch chậu – chi dưới. Có hai phương pháp mở thông động mạch chậu – chi dưới: nong – đặt stent động mạch chậu – chi dưới qua da bằng ống thông (can thiệp mạch) và phẫu thuật làm cầu nối động mạch.
Chỉ định phương pháp can thiệp hay phẫu thuật được cân nhắc tùy trường hợp cụ thể. Phương pháp can thiệp mạch có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật, ngày càng được bệnh nhân chấp nhận nhiều hơn, có thể thực hiện được cho phần lớn bệnh nhân, kể cả các trường hợp bị tổn thương mạch nhỏ ở cẳng chân và bàn chân. Các loại thuốc uống sau can thiệp hoặc phẫu thuật rất quan trọng để duy trì kết quả điều trị, hạn chế bị tắc lại.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -